Mohammad Deif,ấncôngthànhphốgoogle sites chỉ huy cấp cao của nhóm vũ trang Hamas kiểm soát Dải Gaza, hôm nay tuyên bố phát động chiến dịch nhằm vào Israel và kêu gọi người dân Palestine tham chiến. "Đây là ngày khởi đầu trận đánh vĩ đại nhất nhằm chấm dứt sự chiếm đóng", ông nói và thêm rằng 5.000 quả đạn pháo phản lực đã được phóng nhằm vào lãnh thổ Israel.
Hamas sau đó nhấn mạnh chiến dịch bắt nguồn từ "những cuộc tấn công ngày càng leo thang" của Tel Aviv nhằm vào người Palestine ở Bờ Tây, Jerusalem và trong các nhà tù Israel.
Truyền thông Israel nói rằng nhiều tay súng Hamas đã tiến vào thành phố Sderot ở miền nam nước này và nổ súng bừa bãi. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các tay súng Palestine đổ bộ bằng dù hoặc di chuyển trên xe bán tải, trong khi ít nhất một xe tăng chủ lực Merkava Mark IV đã bị bắn cháy.
"Nhiều kẻ khủng bố đã xâm nhập lãnh thổ Israel từ hướng Dải Gaza. Lực lượng phòng vệ Israel sẽ bảo vệ người dân và nhóm khủng bố Hamas sẽ phải trả giá đắt cho hành động này", Bộ Quốc phòng Israel ra thông cáo cho hay, đồng thời yêu cầu người dân tại khu vực quanh Dải Gaza ở yên trong nhà.
Quân đội Israel sau đó tuyên bố chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến tranh, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đã phê chuẩn quyết định huy động lực lượng dự bị.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo sẽ họp với các quan chức an ninh trong vài giờ tới.
Hamas là viết tắt của Harakat al-Muqawama al-Islamiyya trong tiếng Arab, có nghĩa là Phong trào Kháng chiến Hồi giáo. Nhóm được hình thành từ năm 1987 sau khi phong trào nổi dậy chống Israel (intifada) lần thứ nhất của người Palestine bùng nổ, chống lại việc quân đội Israel chiếm đóng Bờ Tây và Dải Gaza.
Mục tiêu của Hamas là thành lập một nhà nước Hồi giáo của người Palestine trên vùng lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948. Để thực hiện mục tiêu đó, phong trào này xác định con đường duy nhất là đấu tranh bằng bạo lực, do Hamas khước từ mọi giải pháp hòa bình, không công nhận nhà nước Israel.
Hamas ban đầu vừa thực hiện cuộc đấu tranh vũ trang chống Israel và cung cấp chương trình phúc lợi xã hội cho người Palestine. Nhưng từ năm 2005, khi Israel rút quân đội và người định cư khỏi Dải Gaza, Hamas bắt đầu tham gia vào chính trị Palestine. Tổ chức này bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội Palestine năm 2006 và kiểm soát Gaza từ năm 2007.
Hamas đối chọi về mặt chính trị và chiến lược với phong trào Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas ở Bờ Tây, bên được quốc tế công nhận là chính quyền Palestine chính thức.
Những chiến binh ở Gaza đã có nhiều cuộc chiến tranh với Israel, nước cùng với Ai Cập duy trì cuộc bao vây ở Dải Gaza để cô lập Hamas và gây áp lực nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công.
Hamas nói chung và đôi khi là cánh quân sự của phong trào bị liệt vào danh sách khủng bố của Israel, Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh cùng một số cường quốc khác.
Tuy nhiên, phong trào này từng nhận được ủng hộ và hỗ trợ tài chính từ người Palestine ở nước ngoài, các nhà tài trợ ở Arab Saudi và một số quốc gia Arab khác. Trong những giai đoạn trước 2003, các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Hamas nhận được khoản ngân sách hàng năm lên tới 50 triệu USD. Tuy nhiên, nhiều nước Arab sau đó đã quay lưng với Hamas.
Vũ Anh (Theo Reuters)